Mình không nhớ chính xác từ khi nào mình biết đến thương hiệu đèn pin này, nhưng trong ghi chú trên OneNote, mình đã ghi rõ: “Hôm nào có thời gian, nhớ xem và mua thử một cái đèn Fraz Labs.” Thế nên, vào một ngày đẹp trời cách đây khoảng 2 tháng, mình quyết định sắm một em. Trên trang web của Fraz Labs, chỉ có vài sản phẩm, và mình hoàn toàn không biết nó sẽ hoạt động như thế nào. Thực tế, nó đơn giản đến mức không có cả mạch driver – mình sẽ nói thêm về điều này sau. Cuối cùng, mình đã mua một chiếc đèn pin kỳ lạ này: QT-SS 18350, tức là đèn pin QT làm từ thép không gỉ, sử dụng pin 18350, với giá $150, tức khoảng 4 triệu đồng Việt Nam.
Fraz Labs là một thương hiệu đèn pin đến từ Mỹ. Giống như nhiều hãng đèn pin custom khác ở Mỹ, Fraz Labs hoạt động với số lượng thành viên rất hạn chế. Thực tế, hãng chỉ có hai người làm việc, đó là một cặp vợ chồng, với anh chồng tên là Paul. Anh ấy bắt đầu khởi nghiệp vào năm 2008 với mục tiêu cạnh tranh trong lĩnh vực đèn pin high-end, tập trung vào độ bền và sự đơn giản, nghe rất hấp dẫn, phải không? Đến năm 2021, anh ấy đã giới thiệu engine QT mới của mình, thay thế cho phiên bản QTC ra mắt năm 2011. QTC là viết tắt của Quantum Tunneling Composite, tạm dịch là “Hợp chất đường hầm lượng tử”. Chiếc đèn pin mà mình đang sở hữu được trang bị engine QT mới này. Điểm độc đáo là nó không chỉ không có mạch driver, mà còn không có bất kỳ nút bấm hay dây điện nào.
Mình muốn nhắc các bạn rằng đây là một chiếc đèn pin khá kỳ lạ, chứ không phải là một chiếc đèn pin thực sự tốt. Điều đầu tiên mình muốn chia sẻ là trải nghiệm sử dụng. Chiếc đèn này rất nặng, vì được làm bằng thép không gỉ với độ dày và kích thước vượt trội so với các đèn pin sử dụng pin 18350 khác, khiến việc cầm nắm trở nên khó khăn và gần như không thể bỏ vào túi quần. Ngoài ra, mình cảm thấy quá trình gia công CNC của chiếc đèn này không được tinh xảo như những chiếc đèn pin Mỹ khác mà mình từng sở hữu. Bề mặt không mịn màng và các ren khi vặn vào khá khó chịu, dù trên website Paul có đề cập rằng anh ta đã đầu tư vào một chiếc máy CNC Tormach 770M vào năm 2021, vốn là một chiếc máy đủ tốt. Tuy nhiên, mình đoán rằng họ chỉ gia công thô mà không thực hiện các bước xử lý hậu kỳ như những hãng đèn pin khác.
Về độ bền thì không cần phải bàn cãi, mình tin chắc rằng đây là chiếc đèn pin bền bỉ nhất trong bộ sưu tập của mình. Việc sử dụng thấu kính TIR nguyên khối bằng acrylic cũng góp phần làm cho nó thêm “trâu bò.” Bên trong, hầu hết các linh kiện đều rất đơn giản và khó có khả năng hư hỏng, còn vỏ ngoài thì bằng thép. Nếu ai yêu thích sự bền chắc thì chắc chắn sẽ hoàn toàn hài lòng với chiếc đèn này.
Về khả năng chiếu sáng, mình cũng không sử dụng nó nhiều nên không có nhiều điều để nói. Thú thật, mình mua nó vì tò mò. Khi mua, mình đã email cho họ để chọn LED Nichia 219C 4000K, loại LED mà mình rất yêu thích. Sau khi nhận đèn, mình còn phát hiện ra rằng việc thay đổi LED rất dễ dàng với chiếc đèn này, bởi vì nó không hề có dây điện hay bảng mạch nào. Bạn chỉ cần vặn ra và thay đế LED khác vào là xong.
Thiết kế của QT thực sự làm mình cảm thấy thích thú. Bộ engine của chiếc đèn pin này là thứ duy nhất mình từng thấy, đơn giản đến lạ thường. Về mặt này, mình rất khâm phục Paul, anh ấy đã tạo ra một sản phẩm như bước ra từ phim viễn tưởng. Mình tin rằng trong tương lai, mọi thứ sẽ không còn nút bấm và mạch điện, và có lẽ Paul cũng nghĩ vậy khi tạo ra QT.
Gần như pin được nối tiếp thẳng vào mạch LED, với các tiếp điểm đồng được giới hạn bằng một miếng cao su để tăng giảm độ tiếp xúc, từ đó thay đổi cường độ sáng. Thật là một thiết kế độc đáo, và như mình đã nói, mình mua nó vì sự thú vị của nó, chứ không phải để sử dụng hàng ngày. Chiếc đèn này không đủ tốt để mình sử dụng thường xuyên, nhưng nếu bạn cũng thấy nó hấp dẫn, hãy ủng hộ vợ chồng Paul bằng cách mua một chiếc. Nó thực sự đáng để có trong bộ sưu tập của bạn. Với mức giá $150, mình không thể đòi hỏi gì hơn cho một chiếc đèn pin sản xuất ngay tại Mỹ này.
Video ngắn
Mình có quay một video vài chục giây để các bạn xem qua.
Để lại một bình luận