Cảm nhận về đèn pin customs CWF Peanut phiên bản Raw Titanium


CWF là một nhãn hiệu đèn pin custom đến từ Mỹ của anh bạn Charles Wiggins. Mình đã biết đến CWF từ lâu và ấn tượng với các sản phẩm đèn của anh này, bởi vì chúng tuyệt đối thực dụng và có thiết kế theo chiều hướng minimalism, từ việc cầm nắm rất mượt mà cho đến giao diện sử dụng tốt (program UI) mình hoàn toàn bị thuyết phục.

CWF Peanut
Đây là 3 chiếc đèn pin CWF mà mình có, từ trái sang phải: Peanut raw titanium/Mini raw titanium/Mini click tumbled titanium, đều sử dụng Nichia 219C với nhiệt màu 5000k

Tổng quan

Đây là mẫu đèn sử dụng pin 18350 gần như nhỏ nhất thế giới, vì nhỏ hơn nữa chỉ có mỗi mẫu Minion của Lux-rc nhưng rất là khó mua, mà bản thân Minion cũng không phải một chiếc đèn pin tiêu chuẩn. Hãng cho phép chúng ta chọn giữa 2 nhiệt màu: 4000k5000k với LED Nichia 219C. Nếu mình không lầm thì đây cũng là mẫu đầu tiên của CWF mà có LED nền (AUX) với 3 màu: Xanh dương, đỏ, xanh lá, và cũng là sản phẩm mới nhất sử dụng Quantum Dragon driver của nhà CWF trồng, quá nhiều điều tuyệt vời phải không?

CWF Peanut
3 con LED Nichia 219C, có điều AUX của Peanut méo méo, nhìn khá là khó chịu dù không ảnh hưởng gì.

Mặt kính của Peanut dường như là loại kính có AR thông thường, mình thử dùng mũi dao rạch lên thì có để lại vết trầy, mình sẽ sớm thay thế một miếng kính Saphire cho nó, vì mình thực sự thích kính saphire trên các đèn pin custom, cảm giác nó “thẩm mỹ” hơn.

Phiên bản raw titanium (hay còn gọi là machined titanium) của đèn CWF Peanut mà Hùng mua có giá là 575 USD. Đèn còn có các phiên bản khác như làm từ nhôm, titanium và đồng. Tùy thuộc vào tiểu bang, nếu tính cả thuế và phí vận chuyển trong nước Mỹ, tổng chi phí có thể lên hơn 600 USD, tương đương hơn 15 triệu VND. Đương nhiên, mức giá này đi kèm với chất lượng xuất sắc, thiết kế được tính toán tỉ mỉ, và quá trình gia công CNC chau chuốt. Và không thể không nhắc đến, sản phẩm này là Made in USA, một dấu hiệu của danh tiếng và đảm bảo về chất lượng.

Thiết kế mạch (driver)

Đèn pin CWF Arcadian Peanut có thiết kế nhỏ gọn đáng kể. Đầu dương của đèn không hề có lò xo. Ngoài ra, bảng mạch MCPCB (không thấy được từ phía lắp pin, nằm ở phía bên kia của phần pill đồng) được thiết kế “một mảnh” hoặc chính xác hơn là “nhỏ hơn nhiều” so với hầu hết các bảng mạch khác. Bộ điều khiển Quantum Dragon là một MCPCB một mặt, có nghĩa là tất cả các linh kiện đều được lắp trên một mặt, giống như mặt của các bộ LED. Điều này quan trọng về mặt kích thước vì nó cho phép loại bỏ không gian cho các dây nối từ MCPCB đến bộ điều khiển, giúp giảm kích thước tổng thể của đèn. Nói chung ngoại trừ các đèn sử dụng mạch LUX-RC (hiện có giá 180$ chỉ riêng mạch driver) thì CWF là hãng đèn có mức giá “tạm ổn” để sử dụng hằng ngày và có kích thước tốt nhất và mình có thể coi đây là một bước tiến trong việc thiết kế, sắp xếp thành phần driver trong đèn pin.

Tổng thể hiệu suất của đèn khá tốt. Ánh sáng giảm xuống mức rất thấp khi điện áp pin thấp, nhưng đèn dường như không tắt. Vì vậy, Quantum Dragon dường như có hoặc không có bảo vệ điện áp thấp, nhưng chắc chắn là nó xả pin xuống dưới mức mà mình mong muốn. (để tham khảo thì 2.7V là ổn nhưng 2.6V thì quá thấp). Vì vậy, khi độ sáng của đèn pim giảm xuống, chỉ cần sạc pin là được!

CWF Peanut
Mặt tiếp xúc với pin không thấy linh kiện điện tử nào, tất cả được đặt ở mặt trên, mặt áp với đế LED.

Program UI của Dragon driver cũng thực sự đơn giản, với 13 nhóm sáng có thể tuỳ chỉnh, với phiên bản driver mới này từ CWF, ta có thể chỉnh dc màu LED AUX và bộ nhớ mức sáng của đèn, thực sự hữu dụng, cá nhân mình luôn sử dụng nhóm sáng 1, dưới đây là các nhóm sáng mà driver này hỗ trợ:

Group 1: Color, ML, 5%, 15%, 35%, 50%, 100%
Group 2: Color, ML, 35%, 100%
Group 3: ML, 5%, 15%, 35%, 50%, 100%
Group 4: ML, 5%, 15%, 100%
Group 5: ML, 15%, 100%
Group 6: 5%, 15%, 35%, 50%, 100%
Group 7: 15%, 100%
Group 8: 15% - 50%
Group 9: 100% Only
Group 10: Color, 100%
Group 11: 100%, Color
Group 12: Color, 50%
Group 13: 50%, Color

Nếu bạn đã quen các đèn pin có sử dụng mạch Dragon này trước đây thì sẽ thấy Quantum Dragon có đôi chút khác biệt, mình cũng mất một chút mới quen được các bước để program cho nó, kênh LeftEDC cũng có làm một video hướng dẫn, bạn có thể xem tại đây cho dễ hình dung.

Cầm nắm & sử dụng

Khó để đánh giá chính xác về đèn CWF Peanut nếu không sử dụng trong thời gian dài. Đến nay, mình đã sử dụng đèn này được 4 tháng và thực sự nó khiến mình quên mất sự hiện diện của nó trong túi vì quá nhỏ gọn. Đèn được trang bị công tắc tiêu chuẩn McClicky, không còn điều gì để phàn nàn. Khi cầm, mình thường dùng ngón trỏ và ngón giữa kẹp vào lõm trên thân đèn, và dùng phần giữa hai đốt ngón cái để bấm công tắc. Điều này mang lại cảm giác rất tốt, không kém gì các mẫu đèn pin tactical sử dụng vòng kẹp (khác với kiểu xỏ ngón). Tuy nhiên, Peanut lại nhỏ gọn hơn nhiều. Vì chọn chất liệu là titanium nguyên khối, nên cầm nắm rất nhẹ nhàng.

CWF Peanut
CWF Peanut thực sự nhỏ gọn, dùng để EDC thì không có gì để chê, độ sáng và CRI cao thực sự tuyệt vời.

Đèn pin Peanut của mình có độ sáng khá cao, tự đo được khoảng 3000 cd và hơn 700 lumen. Ở mức sáng tối đa, đèn có thể đạt 1500 lumen nhưng sẽ trở nên rất nóng và không thể duy trì được lâu. Đèn này sử dụng thấu kính TIR của Carclo và thiết kế để chiếu toả nên trong không gian tối, không có ánh sáng khác, khoảng cách chiếu sáng có thể đạt trên 100m. Tuy nhiên, khi dùng trong thành phố, nơi ánh sáng từ đèn đường phổ biến, khoảng cách chiếu chỉ khoảng 30m. Do đèn làm từ chất liệu titanium, nên dù đèn nóng lên nhanh ở mức sáng cao nhất, nhưng mình thường dùng ở mức 50% độ sáng nên vẫn cảm thấy thoải mái, chủ yếu dùng để soi đồ đạc, cá nhân mình không cần hơn 300 lumen cho một chiếc đèn như thế này, đó là lý do mình cũng thực sự thích các đèn pin của HDS System và Elzetta, bởi vì họ thực sự thực tế, không đua theo cuộc “đua lumen” không thực tế, bạn có thể xem qua video clip từ 9 năm trước thời điểm bài viết này: “Cuộc chiến Lumen, Tại sao đèn pin công suất cao nhất lại có thể kém tin cậy nhất” của Dave Barnett, người sở hữu hãng đèn pin danh tiếng Elzetta.

Đi kèm với Led Nichia là ba đèn phát AUX (kênh 2): đỏ, xanh dương, và xanh lá cây. Để nói rõ hơn: cả ba màu đều được tích hợp vào một con Led duy nhất (không phải RGB )! Điều này khác với các mạch Dragon cũ, chỉ có một màu (nhưng bạn có thể tùy chọn nhiều tùy chọn khác nhau khi lắp đặt).

Trên Quantum Dragon, mặc dù có đèn đỏ, xanh dương và xanh lá cây, bạn vẫn cần phải “chọn một”. Để đổi màu khác, bạn cần phải program lại. Mặc dù việc lập trình khá dễ dàng, nhưng đó không phải là điều bạn có thể làm ngay tức thì, bởi thao tác của nó cũng hơi rối một chút.

Cách sắp xếp này cũng có nghĩa là chỉ có một đèn phát màu (trái ngược với ba đèn phát màu giống nhau trên Dragon nguyên bản). Mình nghĩ điều này là ổn. Đèn AUX (chỉ một!) đủ sáng cho bất kỳ mục đích nào mình sẽ sử dụng (và mình cũng thấy hai chế độ của đèn AUX trên Dragon nguyên bản quá sáng). Vì vậy, tổng thể, đây là một bước tiến trong việc sử dụng đèn LED AUX. Có thể mình sẽ cân nhắc việc chế Led UV thay cho Led màu này.

CWF Peanut
Switch McClicky rất tốt, cho độ nảy và bám tay cao, phần gai nhỏ giúp khi đeo găng tay vẫn sử dụng được thoải mái.

Về clip cài, clip mặc định của Peanut thì đã đủ dùng nhưng không cảm thấy chắc chắn và đồng nhất như clip của đèn Micro click (sử dụng pin 10440), có thể do nó ngắn hơn. Có thể vài hôm nữa, nếu có thời gian, mình sẽ kiếm một chiếc clip của Steel Flame để thử, may mắn là CWF luôn sản xuất đèn với clip tiêu chuẩn.

Tóm lại

Hùng cuối cùng đã mua tổng cộng 6 chiếc đèn của CWF và dự định sẽ thêm một chiếc TAD (phiên bản vân topo) vào bộ sưu tập của mình.

Việc chi khoảng 600 đô la cho một chiếc đèn pin có thể không phải là lựa chọn của mọi người, nhưng đối với Hùng, điều này hoàn toàn xứng đáng. Mình cảm thấy hơi chán nản với việc thị trường đang ngập tràn các thương hiệu đến từ Trung Quốc, dù rằng một số thương hiệu đèn pin custom của Trung Quốc cũng khá tốt. Tuy nhiên, để đạt được độ chỉnh chu trong gia công và sự đầu tư thời gian, chất xám vào thiết kế và cân chỉnh, mình thấy rằng việc chi tiền cho các sản phẩm đèn pin của Mỹ là hoàn toàn đáng giá. Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn phần nào hiểu rõ hơn về mảng đèn pin của Mỹ.

Update 30/7/2024

Mình có quay một video ngắn để các bạn xem qua và dễ hình dung hơn.

Bình luận

  1. Ảnh đại diện Tùng Lưu
    Tùng Lưu

    Bị mê cái thiết kế của các con đèn có style kiểu vậy á.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *