Carlo M. Cipolla
1976
Quy luật căn bản đầu tiên về sự ngu ngốc của con người
Quy luật căn bản đầu tiên về sự ngu ngốc của con người quả quyết rõ ràng không chút mơ hồ rằng:
Luôn luôn và chắc chắn tất cả mọi người đều không đánh giá cho đủ số lượng những cá thể ngu ngốc hiện có.
Lúc đầu, phát biểu này nghe có vẻ tầm thường, mơ hồ, và bắt bẻ kinh khủng. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ lưỡng hơn, chúng ta sẽ thấy được tính xác thực trong thực tế của nó. Bất kể có đánh giá sự ngu ngốc của con người cao đến đâu đi chăng nữa, người ta vẫn cứ mãi bị giật mình bởi sự thật rằng:
- a) những con người từng một thời phán đoán đầy lý trí và thông minh hóa ra lại là những kẻ ngu ngốc vô liêm sỉ
- b) ngày qua ngày, điều đặn không ngừng, trong những hoạt động của mình, người ta bị quấy rối bởi những cá thể ngu ngốc xuất hiện bất thần và không lường trước ở những nơi phiền phức nhất và những thời điểm tưởng như không đáng nhất.
Quy luật căn bản đầu tiên này ngăn tôi quy kết một con số cụ thể cho cái phần những người ngu ngốc đang hiện diện bên trong tổng số, nghĩa là bất kỳ đánh giá theo kiểu số học nào sẽ chỉ là một sự đánh giá thấp, không xác đáng đối với vấn đề này. Do đó, trong những trang sau, tôi sẽ xác định cái phần những con người ngu ngốc bên trong tổng số bằng ký hiệu α
Quy luật căn bản thứ hai
Các xu hướng văn hóa hợp thời hiện nay ở phương Tây cho chúng ta một cách tiếp cận quân bình với cuộc sống. Người ta thích nghĩ theo kiểu là các hữu thể con người như là đầu ra của một cỗ máy sản xuất hàng loạt được thiết kế hoàn hảo. Cách riêng những nhà di truyền học và xã hội học, với một hệ thống ấn tượng các dữ liệu và thông tin khoa học, đã đi ra khỏi cách thức thông thường của họ để chứng minh rằng tất cả mọi người tự bản chất đều bình đẳng và nếu có ai đó hơn hoặc kém người khác, thì đó là do việc người đó được giáo dưỡng hoặc không. Tôi thấy có một ngoại lệ trong quan điểm chung này. Đó là một nhận thức vững chắc của tôi, được nâng đỡ bởi nhiều năm quan sát và thử nghiệm, rằng con người ta không bình đẳng, rằng có vài người ngu ngốc và số khác thì không, và rằng sự khác biệt này được xác định bởi tự nhiên chứ không phải do các tác động văn hóa hay các nhân tố khác.
Sự ngu ngốc đối với người ta cũng hệt như màu tóc đỏ, nghĩa là một người nằm trong nhóm ngu ngốc cũng giống một người nằm trong một nhóm máu cụ thể vậy. Một người ngu ngốc sinh ra đã là một người ngu ngốc theo đúng hành động của Đấng Quan Phòng. Mặc dù tin chắc rằng có một phần nhân loại đang mang lấy sự ngu ngốc và rằng họ như thế là do bởi đặc nét di truyền học, nhưng tôi không phải là một kẻ phản động cố gắng để ngấm ngầm tái hiện lại sự phân biệt chủng tộc hay đẳng cấp. Tôi tin chắc rằng sự ngu ngốc là một thứ được gán cho không riêng ai, đối với toàn bộ các nhóm người, và nó được phân bổ không có quy luật nhưng lại theo một tỷ lệ bất biến. Điều này được trình bày một cách khoa học trong Quy luật căn bản thứ hai như sau:
Khả năng một người cụ thể nào đó là một người ngu ngốc không phụ thuộc vào bất kỳ đặc tính nào khác của người đó.
Về việc này, dường như Tự nhiên thực sự làm tốt hơn những gì mà bà có thể làm. Chúng ta biết rõ rằng Tự nhiên điều hành, đúng hơn là điều hành một cách huyền bí, để giữ tính bất biến cho tần số liên hệ của các hiện tượng tự nhiên được duy trì ở một mức nhất định. Ví dụ như, việc con người sẽ phát triển mạnh ở Bắc Cực hay ở vùng Xích đạo, việc các cặp đôi tương xứng là người phát triển hay người phát triển kém, việc tỷ lệ màu da đen, đỏ, trắng hay vàng trong các trẻ sơ sinh, với tỷ lệ nữ trên nam trong số các trẻ sơ sinh là bất biến, và chỉ một chút ít thiên về phía trẻ nam. Chúng ta không biết làm cách nào mà Tự nhiên đạt được những kết quả ấn tượng này, nhưng chúng ta biết rằng để đạt được nó, Tự nhiên phải tổ chức mọi chuyện ở một tầm vóc cơ số lớn. Điểm đáng chú ý nhất về tần số của sự ngu ngốc là việc Tự nhiên thành công trong việc khiến cho tần số này cân bằng theo một xác suất khá độc lập với mức độ lớn của nhóm người.
Do đó, người ta sẽ thấy phần trăm những người ngu ngốc là bất biến cho dù xem xét trong những nhóm lớn hay những nhóm nhỏ. Không một tập hợp hiện tượng vốn có thể quan sát được nào cho chúng ta một bằng chứng sắc nét như thế về những sức mạnh của Tự nhiên.
Dấu hiệu rõ ràng rằng giáo dục chẳng có vai trò gì trong khả năng nảy sinh sự ngu ngốc đã được chứng tỏ bởi những thử nghiệm trên một con số lớn các đại học trên toàn thế giới. Người ta có lẽ phân biệt tổng số đa hợp những người cấu thành nên một đại học thành năm nhóm chính, cụ thể là các nhân viên lao công, các nhân viên văn phòng, các sinh viên, các người quản lý, và các giáo sư.
Bất cứ lúc nào phân tích các lao công, tôi đều thấy trong số họ một cơ số α những người ngu ngốc. Khi cơ số α này cao hơn tôi dự kiến (Quy luật thứ nhất), thì theo quan điểm thường có, lúc đầu tôi cho rằng chính sự tách ly, nghèo khó và thiếu giáo dục là nguyên nhân của việc này. Nhưng khi xem xét lên những nấc thang xã hội cao hơn, tôi thấy rằng trong giới nhân viên văn phòng và giới sinh viên, cũng vẫn cùng một tỷ lệ như thế. Và còn ấn tượng hơn nữa, khi tôi vẫn thấy cùng một kết quả như thế trong giới giáo sư. Cho dù tôi xem xét trong một đại hoc lớn hay một trường nhỏ, một học viện danh tiếng hay một trường ít tiếng tăm, tôi đều thấy một tỷ lệ α y hệt như thế về số lượng những người ngu ngốc trong thành phần các giáo sư. Sửng sốt trước những gì thu được, tôi đi đến một bước đặt biệt là mở rộng nghiên cứu của mình sang một nhóm được lựa chọn đặc biệt, một nhóm ưu tú thực sự, chính là những người đã đoạt giải Nobel. Kết quả thu được từ bước nghiên cứu này đã xác nhận những sức mạnh tuyệt đối của Tự nhiên: số người ngu ngốc trong các nhà đoạt giải Nobel vẫn là cơ số α.
Ý tưởng này thật khó chấp nhận và khó chịu nổi, nhưng quá nhiều kết quả thực nghiệm đã chứng minh cho tính xác thực căn bản của nó. Quy luật căn bản thứ hai là một quy luật tàn nhẫn, và không có ngoại lệ. Phong trào giải phóng phụ nữ sẽ ủng hộ Quy luật căn bản thứ hai này bởi nó chỉ ra rằng các cá thể ngu ngốc cân xứng về số lượng trong cả nam giới lẫn nữ giới. Sự kém phát triển của Thế giới thứ ba sẽ được an ủi bởi Quy luật căn bản thứ hai này bởi họ có thể thấy đây là bằng chứng cho thấy, xét tận cùng thì những nước phát triển cũng chẳng phải là quá phát triển cho lắm. Tuy vậy, dù người ta có thích hay không thích Quy luật căn bản thứ hai này, thì ý nghĩa của nó vẫn gây hoang mang khủng khiếp: Quy luật này ngụ ý rằng dù bạn có gia nhập những giới ưu tú hay bạn ở trong số những kẻ man rợ săn đầu người ở vùng Polynesia, dù bạn khóa mình trong một tu viện hay quyết định dành phần còn lại cuộc đời với những phụ nữ xinh đẹp và dâm dật, bạn vẫn luôn phải đối diện với một cơ số phần trăm y hệt những người ngu ngốc, và cơ số phần trăm đó (theo Quy luật thứ nhất) sẽ luôn luôn vượt quá những gì bạn dự tính.
Quy luật căn bản thứ ba (và là quy luật vàng quan trọng nhất)
Dù không thể hiện rõ ràng, Quy luật căn bản thứ ba cho rằng nhân loại được chia thành bốn loại căn bản: người bất lực, người thông minh, kẻ cướp và người ngu ngốc. Những độc giả sáng suốt sẽ dễ dàng nhận ra rằng bốn loại này tương ứng với bốn vùng trong đồ thị căn bản.
Nếu Tom làm một việc và chịu mất mát trong khi việc đó lại làm lợi cho Dick, thì Tom rơi vào vùng H Tom đã hành động theo kiểu bất lực. Nếu Tom làm một việc mà nhờ đó anh thu lợi trong khi đó cũng sinh lợi cho Dick, thì Tom rơi vào vùng I: Tom đã hành động theo kiểu thông minh. Nếu Tom làm một việc mà nhờ đó anh thu lợi còn Dick bị mất mát, thì Tom rơi vào vùng B: Tom hành động như một kẻ cướp. Sự ngu ngốc nằm trong vùng S và tất cả mọi điểm thuộc trục Y và nằm dưới điểm O. Quy luật căn bản thứ ba trình bày rõ ràng như thế này:
Một người ngu ngốc là một người gây thiệt hại cho người khác hay cho một nhóm người trong khi chính bản thân người đó chẳng được gì và thậm chí còn có thể gây thiệt hại cho chính mình nữa.
Khi lần đầu đối diện với Quy luật căn bản thứ ba này, những người luận lý, theo bản năng, sẽ phản ứng bằng những ý kiến hoài nghi ngờ vực. Thật sự thì những người biết phải trái vốn gặp khó khăn trong việc chấp nhận và hiểu thấu những hành vi vô lý.không biết điều. Nhưng chúng ta hãy gạt cái trình cao ngất của lý thuyết qua một bên, và hãy nhìn một cách thực dụng vào chính cuộc sống hàng ngày của mình. Tất cả chúng ta hãy nhớ lại những dịp mà một người khác đã làm một việc sinh lợi ích cho người đó và gây thiệt hại cho chúng ta, và như thế chúng ta đã gặp phải một kẻ cướp. Tất cả chúng ta cũng hãy nhớ lại những trường hợp mà một người khác đã làm một việc gây thiệt hại cho người đó và sinh lợi ích cho chúng ta, và như thế chúng ta gặp phải một người bất lực. Chúng ta có thể nhớ lại những trường hợp mà một người khác đã làm một việc sinh lợi cho cả hai phía: như thế đó là một người thông minh. Những trường hợp như trên thực sự có trong cuộc sống này. Nhưng một khi suy tính chính chắn, bạn phải thừa nhận rằng đây không phải là những sự việc thường xuyên gặp nhất trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Phần lớn cuộc sống thường nhật của chúng ta được cấu thành bởi những trường hợp mà chúng ta mất tiền và/hoặc thời gian và/hoặc sinh lực và/hoặc khao khát, phấn khởi và sức khỏe bởi những hành động không đáng của một vài kẻ ngớ ngẩn phi lý vốn chẳng có gì để đạt đến, và thực sự cũng chẳng đạt được gì từ việc gây bối rối, khó khăn và nguy hiểm cho chúng ta. Chẳng một ai biết, hiểu hay có thể giải thích tại sao những kẻ ngớ ngẩn phi lý này lại làm những việc như thế. Thật sự, chẳng có lời giải thích nào cho việc này hết, hay khá hơn thì chỉ có một lời giải thích duy nhất, đó là: kẻ đó là một người ngu ngốc.
Tần số phân bổ
Hầu hết người ta không hành động trước sau như một. Trong những hoàn cảnh nhất định, một người nào đó hành động thông minh, và trong những hoàn cảnh khác, cũng chính người đó sẽ hành động theo kiểu bất lực. Ngoại lệ trọng yếu duy nhất cho quy luật này chính là dành cho những người ngu ngốc, vốn thường biểu hiện một khuynh hướng nhất quán hoàn hảo trong tất cả mọi lĩnh vực nỗ lực của con người.
Tất cả mọi việc nói lên rằng, như một ngoại lệ, chúng ta chỉ có thể ghi vào biểu đồ căn bản những cá thể ngu ngốc mà thôi, nghĩa là chỉ có thể xác định một cách toán học bất biến cho những người ngu ngốc mà thôi. Chúng ta có thể dự tính cho mỗi người một vị trí tương đối có sức thuyết phục trên những gì có trong hình số 1 mà không cần lệ thuộc gì nhiều vào mức độ bất nhất quán của người đó. Một người bất lực có lẽ đôi lúc cũng cư xử thông minh, và đôi dịp có thể còn hành động theo kiểu kẻ cướp. Nhưng bởi người mà chúng ta đang xem xét đây về căn bản là bất lực, nên hầu hết hành động của người đó sẽ mang đặc tính của sự bất lực. Do đó, vị trí tương đối có sức thuyết phục cho tất cả hành động của người như thế sẽ đặt người đó vào góc phần tư H của biểu đồ căn bản.
Sự thật là có thể xếp các cá thể vào biểu đồ này bất kể các hành động của họ có độ sai lệch về tần số giữa kiểu kẻ cướp và kiểu ngu ngốc.
Một kẻ cướp hoàn hảo là một người, với những hành động của mình, gây cho các cá thể khác một mất mát tương xứng với những gì họ thu lợi được từ đó. Dạng nguyên gốc nhất của kiểu kẻ cướp chính là bọn trộm. Một người chiếm đoạt của bạn 100 bảng mà không gây cho bạn thêm bất kỳ mất mát hay tổn hại nào khác chính là một kẻ cướp hoàn hảo, bởi bạn mất đúng 100 bảng, còn hắn thu được đúng 100 bảng. Trong biểu đồ căn bản, những kẻ cướp hoàn hảo sẽ nằm ở đường chéo 45 độ chia đôi vùng B thành hai vùng cân xứng (đường OM trong hình 2).
Tuy nhiên, những kẻ cướp ‘hoàn hảo’ tương đối ít. Đường OM chia vùng B thành hai vùng nhỏ, B1 và B2, và xét xa hơn, đa số lớn nhất của kẻ cướp nằm đâu đó nơi một trong hai vùng nhỏ này.
Những kẻ cướp rơi vào vùng B1 là những cá thể có những hành động mang lại cho họ lợi ích lớn hơn những thiệt hại họ gây ra cho người khác. Tất cả các kẻ cướp nằm trong vùng B1 là những kẻ cướp có thêm sự thông minh, và khi họ tiệm cận phần bên phải của trục X, họ càng chia sẻ nhiều sự thông minh hơn với dạng người thông minh.
Không may, những cá thể thuộc vùng B1 không đông lắm. Thật sự thì, hầu hết các kẻ cướp đều ở vùng B2. Các cá thể nằm ở vùng này là các cá thể có những hành động mang lại cho họ lợi ích lớn thấp những thiệt hại họ gây ra cho người khác. Nếu một ai đó giết bạn để cướp đi năm mươi bảng của bạn hay nếu kẻ đó giết bạn để được vui vẻ với vợ bạn ở sòng bạc Monte Carlo trong một tuần, thì chúng ta có thể chắc chắn rằng đó không phải là một kẻ cướp hoàn hảo. Thậm chí, khi dùng chính những tiêu chuẩn của kẻ cướp để cân đo những gì hắn thu được (nhưng vẫn dùng những tiêu chuẩn của bạn để cân đo các thiệt hại của bạn), thì kẻ này sẽ rơi vào vùng B2 nhưng sẽ tiệm cận rất gần với lằn ranh của sự ngu ngốc đỉnh điểm. Các tướng quân, những người gây nên một tàn phá lớn và vô số thiệt hại để kiếm được đề bạt hay một huy chương, sẽ nằm trong vùng B2 này.
Tần số phân bổ của những người ngu ngốc hoàn toàn khác với tần số phân bổ của kẻ cướp. Trong khi các kẻ cướp hầu như phân tán rải rác trong khu vực B, thì những người ngu ngốc lại tập trung mạnh vào một hàng, đặc biệt là trục Y phía dưới điểm O. Lý do cho việc này là bởi xét xa hơn, đa số những người ngu ngốc là ngu ngốc về căn bản và không chút lay chuyển – nói cách khác thì những người này khăng khăng lỳ lợm gây hại cho người khác mà không cần thu lợi gì, dù theo cách tích cực hay tiêu cực.
Tuy nhiên, có những người với những hành động không đáng của mình, không chỉ gây hại cho người khác, mà hơn nữa còn làm tổn hại chính bản thân họ. Họ là dạng siêu ngu ngốc, và trong hệ thống tính toán của chúng ta, họ sẽ nằm đâu đó ở vùng S lệch về phía trái của trục Y.
Sức mạnh của sự ngu ngốc
Không khó để hiểu làm sao mà những người cầm quyền trong xã hội, chính trị và các tổ chức lại quan tâm nhiều đến những nguy hại tiềm tàng từ một người ngu ngốc. Nhưng người ta vẫn phải giải thích và phải hiểu được về bản chất điều gì khiến cho một người ngu ngốc nguy hiểm đối với người khác – nói cách khác là điều gì cấu thành nên sức mạnh của sự ngu ngốc.
Về bản chất, những người ngu ngốc là những kẻ nguy hiểm và gây hại bởi những người biết lý lẽ thấy thật khó để hình tượng và hiểu được những hành động ngớ ngẩn phi lý. Một người thông minh có lẽ sẽ hiểu được lập luận của một kẻ cướp. Các hành động của một kẻ cướp tuân theo một hình mẫu luận lý hợp lý: có thể theo ý bạn, đó là một hợp lý bẩn thỉu, nhưng dù thế, nó vẫn hợp lý. Kẻ cướp muốn tăng thêm những gì hắn có. Bởi hắn không đủ thông minh để nghĩ ra những chước cách vừa kiếm lợi cho hắn vừa sinh lợi cho bạn, nên hắn sẽ kiếm lợi bằng cách gây nên thiệt hại cho bạn. Xét cho cùng, việc hắn làm là xấu, nhưng nó có tính luận lý và nếu bạn là một người luận lý bạn có thể dự đoán được nó. Bạn có thể đoán trước được hành động, những thủ đoạn bẩn thỉu, và mong muốn xấu xa của một kẻ cướp, và thường có thể đề phòng được.
Nhưng theo giải thích của Quy luật căn bản thứ ba, thì với một người ngu ngốc, bạn lại hoàn toàn không thể làm được những điều như trên. Một người ngu ngốc sẽ quấy rối bạn chẳng vì lý do nào hết, chẳng cần lợi ích, chẳng có kế hoạch hay mưu đồ nào, và lại nhằm vào những thời điểm và địa điểm không đáng và không ngờ đến nhất. Bạn chẳng thể dùng lý lẽ để nói được rằng liệu, lúc nào, như thế nào và tại sao những người ngu ngốc xông vào bạn. Khi giáp mặt với một cá thể ngu ngốc, bạn hoàn toàn bị động trước người đó. Bởi hành động của một người ngu ngốc không tuân theo các nguyên tắc luận lý, nên nó sẽ như sau:
- a) phần lớn, người ta sẽ bất ngờ khi bị một người ngu ngốc tấn công;
- b) thậm chí cả khi nhận thức được sự tấn công này, thì người ta vẫn không thể dựng lên được một sự đề phòng dựa trên lý luận, bởi tự thân sự tấn công của người ngu ngốc vốn không có một kết cấu luận lý nào.
Việc phạm vi hoạt động và vận động của một người ngu ngốc hoàn toàn thất thường và phi lý, không chỉ khiến cho người ta mơ hồ trong việc chống đỡ mà còn gây khó khăn cực kỳ cho bất kỳ cuộc phản kích nào, nó cũng hệt như việc bạn cố bắn vào một mục tiêu di động theo kiểu khó đoán nhất và vô chừng nhất vậy. Đây chính là điều mà cả Dickens và Schiller nghĩ đến khi Dickens tuyên bố rằng ‘với sự ngu ngốc và khả năng lĩnh hội khá, người ta có thể đương đầu rất tốt với mọi chuyện’ còn Schiller thì viết rằng ‘khi đương đầu với sự ngu ngốc, thì ngay cả các vị siêu Thần cũng sẽ phải chống đỡ trong vô vọng’
Quy luật căn bản thứ tư
Những người bất lực, cụ thể là những người được xếp vào vùng H, thường không nhận ra được những người ngu ngốc nguy hiểm đến mức nào, nên họ hoàn toàn không ngạc nhiên gì. Việc chẳng thể nhận ra này chỉ là một biểu lộ khác cho sự bất lực của họ. Tuy nhiên có một sự thật đáng ngạc nhiên thật sự, đó là ngay cả những người thông minh và những kẻ cướp cũng thường không thể nhận ra sức mạnh gây hại vốn có của sự ngu ngốc. Cực kỳ khó để giải thích tại sao lại như thế và người ta chỉ có thể thấy được rằng khi giáp mặt với những cá thể ngu ngốc, những người thông minh lẫn các kẻ cướp đều phạm sai lầm khi cứ mãi xuôi theo tính tự mãn và khinh thường thay vì bật dậy ngay lập tức với đủ xung lượng thích đáng và chống đỡ với người ngu ngốc trên.
Người ta bị xui khiến tin rằng một người ngu ngốc sẽ chỉ gây hại cho bản thân nhưng chính đây là điểm mơ hồ giữa sự ngu ngốc với sự bất lực. Có lúc người ta bị xui khiến muốn hợp tác với một người ngu ngốc để sử dụng người đó cho mưu đồ của mình. Một thủ đoạn như thế chẳng thu được gì ngoài những hệ quả tai hại bởi a) nó được đặt trên một nhận thức sai lầm hoàn toàn về bản chất căn thiết của sự ngu ngốc và b) nó làm tăng thêm tầm hoạt động của người ngu ngốc bởi đã tạo điều kiện cho bẩm năng của người đó được hoạt động. Người ta có thể hi vọng mình cao tay hơn người ngu ngốc, và đúng là cho đến một mức độ nào đó, thực sự họ có thể làm được vậy. Nhưng do bởi kiểu hành xử thất thường của người ngu ngốc, người ta sẽ chẳng thể lường trước được tất cả mọi hành động của người ngu ngốc đó để phản ứng lại, và chẳng bao lâu sẽ tan hoang bởi những biến động không thể đoán trước được từ đối tác ngu ngốc của mình.
Việc này được tóm gọn rõ ràng trong Quy luật căn bản thứ tư như sau:
Những người không ngu ngốc luôn luôn đánh giá thấp sức mạnh hủy hoại của các cá thể ngu ngốc. Đặc biệt, những người không ngu ngốc luôn luôn quên mất rằng trong mọi thời điểm và mọi nơi chốn cũng như dưới mọi hoàn cảnh, việc thỏa thuận với những người ngu ngốc luôn biến thành một sai lầm tai hại.
Qua hàng thế kỷ và thiên niên kỷ, trong cả đời sống xã hội và đời sống riêng, vô số người đã thất bại không thể nắm được Quy luật căn bản thứ tư này và do đó đã gây nên cho nhân loại những thiệt hại không kể xiết.
Quy luật căn bản thứ năm
Thay vì quan tâm đến phúc lợi của các cá nhân, chúng ta hãy bàn đến phúc lợi của xã hội, xét trong trường hợp này như là tổng số điều kiện của cá nhân trong xã hội đó. Để thực hiện được phân tích này, nhất thiết phải có được một nhận thức đầy đủ về Quy luật căn bản thứ năm. Có thể nói xen vào đây rằng trong năm quy luật, thì Quy luật thứ năm này chắc chắn là được nhiều người biết đến nhất và thường xuyên được nhắc đến nhất. Quy luật căn bản thứ năm được phát biểu như sau:
Người ngu ngốc là dạng người nguy hiểm nhất.
Và hệ luận từ quy luật này là:
Người ngu ngốc nguy hiểm hơn cả kẻ cướp.
Kết quả do hành động của một kẻ cướp hoàn hảo (người được xếp vào đường OM trong hình) đơn thuần và đơn giản là một sự chuyển đổi của cải và/hoặc phúc lợi. Sau một hành động như thế, kẻ cướp thu vào một khoản bằng đúng chính xác khoản thiệt hại mà hắn gây ra cho người khác. Như thế, nếu xét chung, thì xã hội sẽ chẳng tốt hơn nhưng cũng không tệ hơn. Nếu tất cả mọi thành viên trong xã hội đều là kẻ cướp, thì xã hội đó vẫn mãi đình trệ, nhưng không có nguy cơ phải hứng chịu một thảm họa lớn, Toàn bộ vận hành của xã hội chung quy lại sẽ là một cuộc chuyển giao khổng lồ của cải và phúc lợi dành cho những ai biết hành động. Nếu tất cả mọi thành viên của xã hội hành động theo chiều hướng thông thường, thì không chỉ xã hội nói chung, mà mỗi cá nhân nói riêng cũng sẽ thấy mình được ở trong một tình trạng vững chắc tuyệt đối và bất biến.
Nhưng khi những người ngu ngốc nhúng tay vào, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi. Những người ngu ngốc gây thiệt hại cho người khác mà chẳng có một khoản thu lợi tương ứng cho mình. Bởi vậy, xét chung thì xã hội sẽ bị hao mòn đi. Hệ thống tính toán vốn đã tìm ra biểu thức trong những biểu đồ căn bản trên, chỉ ra rằng trong khi tất cả hành động của các cá thể nằm ở vùng bên phải của đường POM sẽ tăng thêm phúc lợi cho xã hội dù là theo những cấp độ khác nhau, thì hành động của các cá thể rơi vào vùng bên trái của đường POM này lại gây nên sự triệt thoái hao mòn.
Nói cách khác, người bất lực với thêm một chút thông minh, kẻ cướp với thêm một chút thông minh và trên tất cả là những người thông minh, tất cả những loại người này, dù ở những cấp độ khác nhau, đều góp phần phát triển phúc lợi xã hội. Mặt khác, kẻ cướp với thêm một chút ngu ngốc và người bất lực với thêm một chút ngu ngốc vận hành để gây thêm thiệt hại cho những gì vốn đã bị những người ngu ngốc phá hoại rồi, và do đó họ góp phần làm tăng thêm sức mạnh tàn phá sai lầm của nhóm này.
Tất cả những điều này nêu ra cho chúng ta vài suy ngẫm trên thành quả của các xã hội. Theo Quy luật căn bản thứ hai, bộ phận những người ngu ngốc là một cơ số α, vốn không chịu ảnh hưởng bởi thời gian, nơi chốn, chủng tộc, tầng lớp, hay bất kỳ biến thiên văn hóa xã hội hay lịch sử nào. Sẽ là một sai lầm cực kỳ khi tin rằng con số những người ngu ngốc trong một xã hội thoái trào lớn hơn con số đó trong một xã hội đang đi lên. Cả hai xã hội này đều bị phiền hại bởi cùng một cơ số phần trăm những người ngu ngốc tương đương y hệt nhau. Sự khác biệt giữa hai xã hội này là trong xã hội kém hơn thì:
a) các thành viên ngu ngốc trong xã hội được các thành viên khác cho phép được chủ động hơn và làm nhiều việc hơn; b) có một sự thay đổi cấu thành trong vùng không ngu ngốc, với sự đi xuống tương đối của dân số trong các vùng I, H1, và B1 cùng một sự tăng tiến tương ứng của dân số trong các vùng H2 và B2.
Căn cứ lý thuyết này được xác nhận rõ ràng qua một phân tích thấu đáo về các hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Thật sự phân tích lịch sử này cho phép chúng ta tái hiện lại những kết luận lý thuyết theo một cách thức vốn căn cứ nhiều hơn trên dữ kiện thực.
Khi xem xét các thời cổ đại, trung đại, cận đại hay đương đại, người ta đều bị ấn tượng khi thấy một sự thật rằng bất kỳ quốc gia đang lên nào cũng đều có một bộ phận không thể tránh được chính là những người ngu ngốc. Tuy nhiên, một quốc gia đang lên cũng là một quốc gia có bộ phận những người thông minh cao bất thường, và số người này điều hành sao cho giữ được cái cơ số α những người ngu ngốc cách xa khỏi xã hội và cùng lúc đó đem lại đủ lợi ích cho chính bản thân và các thành viên khác trong cộng đồng để tạo nên một sự tiến bộ rõ ràng.
Trong một quốc gia đang thoái trào, bộ phận những người ngu ngốc vẫn là một cơ số α y hệt, tuy nhiên,trong tổng dân số còn lại, người ta lưu ý thấy rằng trong bộ phận nắm quyền, có một sự tăng vọt đáng báo động con số những kẻ cướp có đôi chút ngu ngốc và trong bộ phận không nắm quyền cũng có một sự tăng trưởng đáng báo động tương tự về con số những cá thể bất lực. Một thay đổi như thế trong cấu thành của bộ phận dân số không ngu ngốc chắc chắn đã tăng cường thêm sức mạnh hủy hoại của cơ số α những người ngu ngốc và biến sự thoái trào trở thành một việc chắc chắn phải xảy đến. Và như thế quốc gia đó đi xuống đáy địa ngục.
Để lại một bình luận